Góc nhìn từ quỹ đầu tư về đầu tư và phát triển Startup số trong khu vực, khuyến nghị cho Việt Nam
Ngày 28/06/2022, VINASA phối hợp cùng CLB Đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ số VDI; Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học Công nghệ và Sài Gòn Innovation Hub tổ chức “Hội nghị kết nối nhà đầu tư và startup trong lĩnh vực ICT - chủ đề Thúc đẩy đầu tư và phát triển hệ sinh thái tài chính số”. Hội nghị nhằm đưa ra các góc nhìn về đầu tư, phát triển Startup số từ các chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đồng thời, đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam dần hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế thúc đẩy dòng vốn đầu tư, từ quỹ trong và ngoài nước vào đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Ascend Vietnam Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu trị giá 50 triệu USD có trụ sở tại Việt Nam đầu tư vào sự phát triển của Việt Nam và Đông Nam Á. Hoạt động từ năm 2015, quỹ đã có nhiều khoản đầu tư ở Việt Nam cũng như là các Founder từ thiện ở nước ngoài. Đến nay, quỹ đã đầu tư được hơn 80 công ty, bao gồm cả các công ty web3 đầy tham vọng như Sky Mavis và Stently. “Đây cũng là một may mắn để chúng tôi được chứng kiến sự tăng trưởng cũng như khó khăn của các công ty công nghệ giai đoạn đầu, nhìn được cách các Founder họ tăng trưởng. Quá trình đầu tư từ 2015 đến giờ đem lại cho quỹ rất nhiều bài học và góc nhìn, một công ty công nghệ thực sự đưa được sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng cho nhu cầu của thị trường phải làm những gì”, Ông Nguyễn Sơn Hoàng Lê, Đại diện Ascend Vietnam Ventures phát biểu trong hội nghị.

Tổng quan Đầu tư khởi nghiệp ở Đông Nam Á

Theo báo cáo Southeast Asia Tech Investment - 2021 H1 - Cento Ventures, 4,4 tỷ đô la được đầu tư trong nửa đầu năm 2021 với tổng 400 giao dịch trên tất cả các quy mô. Trong đó, số lượng tiền đổ vào các giao dịch từ 100 triệu đô trở lên đang bắt đầu giảm khá nhiều từ năm 2018. Các giao dịch nhỏ hơn dưới 100 triệu đô lại đang tăng đều và tăng mạnh hơn, đạt mức kỷ lục 2,4 tỷ đô la. Ông Sơn chia sẻ khi có lượng vốn đổ vào các công ty giai đoạn đầu, điều này thể hiện sự mong muốn tìm hiểu và mong muốn thử nghiệm của các nhà đầu tư đối với thị trường Đông Nam Á. 

Dựa vào báo cáo vốn đầu tư theo lĩnh vực, chúng ta dễ dàng nhìn thấy Fintech cũng như các lĩnh vực nhỏ trong Fintech đều đứng đầu bảng. Trong Fintech có rất nhiều lĩnh vực nhỏ như Dịch vụ tài chính đa dạng, Quản lý tài sản, Bảo hiểm, Cho vay kinh doanh, Thanh toán, Dịch vụ ngân hàng. Fintech chắc chắn đã, đang và luôn nhận được rất nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư. 

Nếu nhìn vào số lượng đầu tư trên một quốc gia, hiện nay Indonesia và Singapore là hai quốc gia đang dẫn đầu. Indonesia vẫn là điểm đến chính để đầu tư với các công ty như Bukalapak, Go-Jek, Sicepat và Ajaib đang thu hút một dòng vốn đáng kể. Một điểm đáng chú ý là Việt Nam đang đứng thứ 3 về tỷ trọng các thương vụ được thực hiện bởi các quốc gia. “Đây là giai đoạn rất tốt để các startups có định hướng sản phẩm tốt, có góc nhìn về thị trường tốt thực sự sẽ tìm được nguồn vốn từ các nhà đầu tư support mình.”, Ông Sơn nhận định.

Tổng quan Đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam

Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (thuộc Bộ KH&ĐT) và quỹ đầu tư Do Ventures, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Việt Nam trong năm 2021 vẫn đạt kỷ lục vượt 1,5 tỷ USD. Con số này cao gấp 3 lần năm 2020 (451 triệu USD) và gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD hồi năm 2019. Trong đó, số lượng công ty khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam là 3.800, bao gồm 4 kỳ lân VNG, VNLife, MoMo, Sky Mavis, 11 công ty khởi nghiệp trị giá hơn 100 triệu USD (Tiki, Topica Edtech…). Với tổng số tiền đầu tư đổ vào Việt Nam như vậy thì đây là một tín hiệu tốt và giai đoạn sắp tới có lẽ sẽ rất sôi động. Mặc dù vẫn ở giai đoạn còn non trẻ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có những chuyển mình mạnh mẽ trong năm qua. Trở thành ''ngôi sao đang lên'' tại thị trường Đông Nam Á, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) của Việt Nam ghi dấu ấn với những màn gọi vốn ngoạn mục.

Nhìn sâu vào Fintech một chút, có lẽ đây là lĩnh vực sôi động nhất, rất nhiều công ty được thành lập trong lĩnh vực này. So với các quốc gia Đông Nam Á khác, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 3 (11%) về tổng giá trị thương vụ và đứng thứ 4 về số lượng thương vụ. Từ chỉ 39 công ty khởi nghiệp vào năm 2015, con số này đã tăng lên đáng kể lên đến hơn 150 công ty vào năm 2021, điều này cho thấy tiềm năng của lĩnh vực Fintech. Ngoài ra, phân khúc thanh toán kỹ thuật số vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực Fintech. Tuy nhiên, cho vay P2P và Crypto/Blockchain là hai ngôi sao đang lên với mức tăng trưởng mạnh nhất. 3 thương vụ khởi nghiệp đáng chú ý nhất trong mảng Fintech năm vừa qua là Momo, VNPAY và Infina.

 

Khuyến nghị cho Việt Nam

Với vai trò là một quỹ đầu tư, có kinh nghiệm trong rất nhiều thương vụ khởi nghiệp, chứng kiến không ít sự phát triển vượt bậc của Startups hay Founder tiềm năng, đạt được sự tăng trưởng trong năm vừa qua là một bất ngờ lớn. Tuy nhiên, Ông Nguyễn Sơn Hoàng Lê, Đại diện Ascend Vietnam Ventures cho biết vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận vốn. Chính vì thế, sau đây là một số khuyến nghị cho Việt Nam dưới góc nhìn của một quỹ đầu tư để góp phần hoàn thiện hơn cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Một là hạn chế các trở ngại xung quanh việc tiếp nhận vốn nước ngoài.

Quá trình đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thường có thời gian rất lâu. Việc mua cổ phần của một công ty Việt Nam có quá trình pháp lý tầm 4 tháng đến nửa năm. Mọi thứ diễn ra không như tiến độ mong muốn của các Quỹ. Nếu các rào cản này mỏng lại và nhẹ lại thì khả năng nhận được vốn tại Việt Nam sẽ dễ dàng hơn.

Hai là cần nhiều hơn sự chỉ dẫn và hỗ trợ về các tư duy quy mô mạo hiểm.

Một trong những điều quan trọng nhất đối với Startup ĐMST là phải có góc nhìn làm sao dùng công nghệ để giảm bớt tỉ lệ lệ thuộc vào con người, bán hàng mà không cần dùng đến con người và làm sao để chăm sóc khách hàng, hiểu được hành vi khách hàng trước khi khách hàng có thắc mắc hay phản hồi. Đây là những tư duy rất cần thiết để xây dựng công ty ở Việt Nam trở thành biểu tượng trong khu vực thế giới.

Ba là nuôi dưỡng và nâng cao năng lực lãnh đạo công nghệ.

“Một lãnh đạo công nghệ không những am hiểu về công nghệ, am hiểu về việc kinh doanh mà còn phải hiểu được tầm nhìn của công ty. Nhiều bên chưa thực sự tập trung vào phần này.”, Ông Nguyễn Sơn Hoàng Lê, Đại diện Ascend Vietnam Ventures nhấn mạnh.

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT