Ngày Công nghệ Thông tin Nhật Bản 2023 diễn ra trong 2 ngày 31/10 và 01/11/2023 với 03 hoạt động: hội thảo, thăm và làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và networking – kết nối hợp tác.
Ngày CNTT Nhật Bản là hoạt động xúc tiến hợp tác dành cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam – Nhật Bản, được tổ chức thường niên từ năm 2007. Chương trình được sự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công Thương Việt Nam, với sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều tổ chức Nhật Bản, cùng sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, tổ chức CNTT hai nước. Có thể nói, với quá trình Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản bắt đầu từ rất sớm, những năm 2000, khi ngành phần mềm và dịch vụ CNTT mới được hình thành. Giai đoạn 10 năm đầu là sự hỗ trợ của các đối tác Nhật Bản để chuẩn bị, đào tạo cho các đối tác, các doanh nghiệp Việt Nam từ kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn, đến nhân lực, văn hóa kinh doanh. 10 năm tiếp theo là sự phát triển bùng nổ.
Đến nay, Việt Nam đã trở thành đối tác lớn thứ hai và được ưu tiên lựa chọn bởi các đối tác Nhật Bản. Các doanh nghiệp CNTT cũng phát triển mạnh về cả chất lẫn lượng. Hơn 10 doanh nghiệp có quy mô trên dưới 1.000 lao động như Rikkeisoft, VMO, VTI, Fujinet, Luvina…, hàng chục doanh nghiệp có quy mô 500-1.000 lao động, và hàng trăm doanh nghiệp có quy mô 100 – 500 lao động. Tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp Nhật Bản khoảng gần 500 doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của lao động Việt Nam cũng được nâng cao rõ rệt, từ chỗ chỉ làm nhưng công đoạn đơn giản như coding, testing, tới nay các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế tới triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain, VR/XR.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, Nhật Bản và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp cỡ vừa và lớn đang tìm kiếm những đối tác có năng lực để hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Lê Quang Lương - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác CNTT Việt Nam Nhật Bản (VJC), Chủ tịch Luvina – nhận định: “Sự biến động mạnh về kinh tế khiến các doanh nghiệp Nhật Bản trong các ngành cũng như nhiều lĩnh vực khác (ngoài IT) đang tìm đến khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam nhiều hơn trước. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cũng đã có thời gian dài tích lũy nguồn lực, quy trình quản lý sản xuất, trình độ công nghệ, văn hóa làm việc và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng, đã sẵn sàng tham gia, đáp ứng như cầu của các đối tác Nhật Bản. Giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới, bên cạnh những dự án Offshore – hiện đại hóa những hệ thống cũ với công nghệ mới, doanh nghiệp 2 nước sẽ tập trung vào các dự án chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực. Các lĩnh vực hợp tác dự kiến sẽ có sự phát triển nhanh và mạnh mẽ bao gồm: sản xuất công nghiệp, công nghiệp ô tô, tài chính bảo hiểm, an toàn thông tin, và công nghiệp bán dẫn.”
Đồng quan điểm với VINASA, và VJC, Ông Junya Kawamoto, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Quốc tế JISA chia sẻ: “Khảo sát các doanh nghiệp công nghệ về kinh doanh xuyên biên giới của JISA vừa qua cho thấy. Chiến lược toàn cầu đang trọng tâm với 04 mảng: Cung cấp sản phẩm toàn cầu, thuê ngoài các nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực, và đầu tư nước ngoài. Khu vực ASEAN và Việt Nam đang được xem là trọng tâm của chiến lược toàn cầu của doanh nghiệp CNTT Nhật Bản. 78% doanh nghiệp định hướng cung cấp thị trường – cao hơn Mỹ (57%) và Trung quốc (50%). 64% doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm nguồn lực, đối tác từ khu vực ASEAN, chỉ sau Trung Quốc (85%). Về đâu tư nước ngoài vào khu vực ASEAN, Việt Nam đang được gần 56% các doanh nghiệp quan tâm – cao gấp 2 lần các quốc gia khác như Singapore, Thái Lan, Phillipine (22%), Malaysia (11%). Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn hợp tác sâu, rộng trong tất cả các mảng của ngành CNTT.”
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT, Bộ Thông tin Việt Nam cho biết: Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Các hoạt động hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân… được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Nhật Bản giữ vị trí nằm trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.835 dự án với tổng vốn trên 64 tỉ USD (FDI từ Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam).Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Về thị trường CNTT tại Nhật Bản, Việt Nam là đối tác lớn thứ hai và được ưu tiên lựa chọn bởi các đối tác Nhật Bản đồng thời Việt Nam đang là quốc gia chiếm tới 70% hoạt động gia công ở nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản. Điều đó mở ra cơ hội hợp tác cho nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật Bản rất lớn. Trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực quan trọng này đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến trình Ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số và Luật Công nghiệp công nghệ số.
Japan ICT Day 2023 bao gồm 03 hoạt động: Hội thảo, Networking và Company tour – thăm và làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam. Chương trình thu hút 20 doanh nghiệp Nhật Bản và hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam. Chương trình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong tất cả các khía cạnh của ngành CNTT và Chuyển đổi số trong trong giai đoạn tới.
Thông tin chi tiết về Japan ICT Day 2023 có thể xem tại website của chương trình https://japanictday.vjc.org.vn/