Học đầu tư Startup bài bản - Học cách mài sáng những viên ngọc thô Startup
Vào ngày 24-26/09/2021, Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Câu lạc bộ Khởi nghiệp số (VDI) phối hợp với Văn phòng Đề án 844 tổ chức thành công Khoá đào tạo “Đầu tư Startup công nghệ số” nhằm khuyến khích, thúc đẩy đầu tư Startups Số hướng tới việc xây dựng một cộng đồng các nhà đầu tư Startup chuyên nghiệp, bài bản và phát triển bền vững. Khoá đào tạo đã thu hút hơn 33 nhà đầu tư khởi nghiệp là Lãnh đạo cấp cao Doanh nghiệp CNTT, cán bộ các Quỹ đầu tư và các nhà khởi nghiệp công nghệ. Chương trình được thiết kế và giảng dạy bởi 05 giảng viên, Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực CNTT và các Quỹ đầu tư.

Khoá đào tạo “Đầu tư Startup công nghệ số” được chia thành 06 Chuyên đề đã cung cấp cho học viên những kiến thức tổng quát nhất, bài bản nhất về đầu tư khởi nghiệp: Hình thức, định giá, Bảng phân bổ đầu tư (Capitalization Table), Hợp đồng đầu tư, Quản trị và thoái vốn (Board & Exit), liên kết đầu tư, những thông tin về xu thế thị trường khởi nghiệp, xu hướng đầu tư Startup số tại Việt Nam cũng như trong khu vực, kinh nghiệm đầu tư Startup từ các Quỹ, Tập đoàn, doanh nhân công nghệ, những thông tin, đặc điểm về ngành CNTT Việt Nam, Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Tại chuyên đề đầu tiên, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp số VDI đã có phần chia sẻ về đầu tư mạo hiểm vào các Startup tại Việt Nam.  Để rút ngắn tính mạo hiểm và mang lại thành công, Ông đi sâu vào phân tích và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xu hướng liên kết chặt chẽ giữa Startup với các  Quỹ đầu tư, các nhà đầu tư thông qua những tổ chức như câu lạc bộ như VDI để tăng cường các hoạt động Mentors cố vấn, thẩm định, giúp chuyển từ ý tưởng sáng tạo thành các dự án khả thi một cách hiệu quả.

Trong khi đó, Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Tổng Giám đốc Nextrans chia sẻ, xu hướng các công ty Startup công nghệ hiện nay đang tập trung chủ yếu vào mảng AI và phân ra hai thái cực gồm thị trường Mỹ như Google, Facebook, Amazon, Apple,… và thị trường trung Quốc như Alibaba, Tencent, Xiaomi… Những công ty này đều khởi điểm từ những công ty rất nhỏ, họ đều là Startup.

Chuyên đề sau đó, Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch VMCG bắt đầu đi sâu vào định nghĩa, khái niệm cơ bản về đầu tư thiên thần, các vòng đời - Đầu tư thiên thần là gì, vòng đời đầu tư và các quy trình đầu tư rất cụ thể. Các nhà đầu tư thiên thần chỉ nên dành 10% - 15% tài sản để đầu tư thiên thần. Đây là tỷ lệ đảm bảo sự bền vững về nền tảng tài chính cho các nhà đầu tư. Các hình thức đầu tư và cấu trúc thỏa thuận đầu tư. Đây là những nền tảng rất cơ bản cho 1 nhà đầu tư thiên thần.

Tại chuyên đề sau đó, ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch VINASA, Founder TFI đã đưa ra những phần giảng giải rất cụ thể về định giá, đánh giá Startup cũng như những liên kết để tìm kiếm Startup tiềm năng. Theo Ông, việc đánh giá startup sẽ dựa vào các yếu tố quan trọng: Bài toán Startup đang giải quyết, giải pháp đưa ra thế nào? thị trường và tiềm năng thị trường? cạnh tranh và vị thế cạnh tranh trên thị trường? đà tăng trưởng và sức tăng trưởng của Startup? Quan trọng nhất là Nhóm sáng lập và người đứng đầu? Các nhà đầu tư thiên thần cần xây dựng các network đầu tư phù hợp đối tượng, quy mô đầu tư để đi cùng nhau vừa giảm thiểu rủi ro vừa tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm và hiểu biết của nhau.

Một trong những chuyên đề quan trong nhất là giới thiệu về cách xây dựng Bảng phân bổ đầu tư (Capitalization Table) và Lập bảng termsheet lợi nhuận đầu tư. Phần này sẽ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan và kế hoạch đầu tư cho 1 startup cụ thể. Hiện tại, các nhà đầu tư thường có xu hướng đánh giá rất khắt khe với các Startup, theo Bà Tuệ Lâm, các Startup khi khởi nghiệp thường dồn hết tâm lực, trí tuệ, công sức và tài sản cho Startup của mình, vì vậy, các nhà đầu tư nên nhìn theo hướng thúc đẩy, cổ vũ Startup hơn là đánh giá giống như kiểm toán.

Tại chuyên đề về Quản trị và thoái vốn (Board & Exit), Chuyên gia đầu tư khởi nghiệp gặt hái nhiều thành công là ông Trần Mạnh Công, Giám đốc Đầu tư G-Group, Đồng Sáng lập/ Thành viên Hội đồng Quản trị TFI, F88, Tima, Gpay có chia sẻ “Ngoài yếu tố liên quan đến sản phẩm, khách hàng, con người, thị trường, kỹ thuật, Nhà đầu tư phải xem xét thêm tới yếu tố hệ thống quản trị, báo cáo tài chính của Startup phải bài bản, đầy đủ, chính xác. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm rất cụ thể về thoái vốn thành công, sự nhạy cảm trong đầu tư.

Chương trình đào tạo được kết thúc bằng một Hội thảo chia sẻ và hướng dẫn cụ thể về Đầu tư thiên thần trong lĩnh vực Fintech và Tiền số - Xu hướng đầu tư thu hút nhất thế giới hiện nay. Những rủi ro, những giai đoạn đầu tư hiệu quả, săn tìm dự án tốt đã được chia sẻ rất cụ thể tại chương trình.  

Sau khi kết thúc Khoá Đào tạo, Câu lạc bộ VDI đã thu hút được 10 nhà đầu tư trở thành thành viên chính thức. VINASA và Câu lạc bộ VDI sẽ tiếp tục tổ chức các Khoá đào tạo chuyên sâu trong thời gian tới. Để kết nối, giao lưu và chia sẻ thông tin với các Quỹ đầu tư, Chuyên gia, xin mời Quý Đơn vị/ Doanh nghiệp liên hệ về VINASA, Câu lạc bộ VDI tại đây: https://forms.gle/8euGyCSpVbrSi8eBA
Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT