Viện toán Cao cấp hợp tác với VINASA đào tạo công nghệ Số
Sẽ có một mô hình đào tạo Toán ứng dụng nói riêng và các chương trình đào tạo công nghệ số nói chung, với các giáo viên “xịn” và sinh viên chất lượng cao, để phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho đất nước. Và xa hơn, “để thế giới phải đến Việt Nam mà học”. 

Đó là câu chuyện đầy mộng mơ nhưng cũng đầy nhiệt huyết và quyết tâm được đưa ra trong buổi làm việc giữa Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), diễn ra ngày 14/6 vừa qua tại Hà Nội.

Trong buổi làm việc này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA và GS. Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học VIASM đã chia sẻ tầm nhìn và lộ trình thực hiện “giấc mơ” lớn về nhân lực chất lượng cao cho ngành CNTT nói riêng và cho đất nước nói chung. 

Theo đó, VINASA và VIASM sẽ phối hợp tổ chức, triển khai các hoạt động nghiên cứu, đào tạo nhân lực, tư vấn chính sách nhằm thúc đẩy phát triển Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp ở Việt Nam. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động như: hội nghị, hội thảo, diễn đàn, seminar... nhằm gắn kết Trường/Viện - Nhà nước - Doanh nghiệp về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp.

Ở tầm nhìn dài hạn và các mục tiêu cụ thể, hai bên dự kiến sẽ phối hợp xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo công nghệ số: Trí tuệ nhân tạo (AI), Khoa học dữ liệu (Data Science, Big Data), Internet Vạn vật (IoT/IIoT), Điện toán đám mây (Cloud), Blockchain, Mật mã và An toàn an ninh mạng (Cryptography and Cyber sercurity), và Vận trù học (Operation Research)... nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành CNTT Việt Nam nói chung và Doanh nghiệp Hội viên VINASA nói riêng.

Để hiện thực hóa “giấc mơ” này, VINASA và VIASM đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đặc biệt là các xu hướng công nghệ mới. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo, chương trình truyền thông nhằm phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và các xu thế ứng dụng phát triển công nghệ mới cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Giáo sư Hồ Tú Bảo, Chuyên gia tuệ nhân tạo hàng đầu Việt Nam chia sẻ: “Những khoá học mà hợp tác này hướng đến sẽ gồm: Chuyển đổi số cơ bản, chuyển đổi số chuyên sâu, công nghệ số cơ bản (cho lãnh đạo), công nghệ số nâng cao. Sau đó là AI và khoa học dữ liệu cơ bản, khoa học dữ liệu nâng cao. Phân tích kinh doanh”.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Trương Gia Bình bổ sung thêm: Đây không chỉ là một cuộc hợp tác đào tạo thông thường giữa hai tổ chức, mà cao hơn, còn hướng đến việc xây dựng một thứ “thương hiệu” cho Toán học Việt Nam với hai tiêu chí quan trọng. Thứ nhất, phải gắn nghiên cứu hàn lâm với thực tiễn, Toán phải đưa vào ứng dụng. Thứ hai, phải tạo lập một mô hình đào tạo thực sự xứng tầm: Giảng viên, giáo viên chất lượng cao; sinh viên đầu vào tài năng.

Theo ông, với mô hình này, chúng ta không đào tạo đại trà mà hướng đến đào tạo “tinh túy”, chất lượng cao thực sự. Kiến thức sẽ phù hợp doanh nghiệp, đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, hướng tới cho người lãnh đạo có kiến thức

“Phải làm sao để nhân lực trên thế giới cũng phải tìm đến Việt Nam mà học”, ông Trương Gia Bình một lần nữa thể hiện mơ ước lớn của mình và dí dỏm “chuyền bóng” cho Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Thế giới biết Châu nhưng chỉ nghe danh. Hãy làm sao để họ phải đến Việt Nam mà học cái gì đó từ Châu và cộng sự của Châu”.

THEO NSS

 

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT