Thực tế ảo tại Việt Nam - Chững lại hay tiến về phía trước?
Thực tế ảo hay thực tế ảo tăng cường AR-VR trong vài năm trở lại đây nổi lên như một hiện tượng không chỉ bởi những trải nghiệm mới lạ nó mang lại, mà còn bởi “khả năng” ứng dụng cực kỳ đa dạng và hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích. Thế nhưng câu chuyện thực tế ứng dụng AR-VR liệu có thực sự lợi hại như kỳ vọng?

Từ khả năng ứng dụng thần kỳ…

AR (Augmented Reality) – Thực tế ảo tăng cường và VR (Virtual Reality) – Thực tế ảo lần đầu được phát triển và sử dụng là từ những năm 1990 bởi lực lượng Không quân Mỹ nhưng mãi đến những năm gần đây thế giới mới thực sự được nhận thức về sức mạnh của công nghệ này. Có khả năng mô phỏng lại thực tế trong môi trường ảo hoặc ngược lại, tao ra các thao tác, hình ảnh ảo trong môi trường thật, AR-VR đã thực sự mở ra một “vũ trụ” mới về khả năng ứng dụng kết hợp thực tế và ảo. 


Ứng dụng AR-VR trong đào tạo Lực lượng không quân

Ngay  từ khi ra đời, AR  đã được dùng trong đào tạo để mô phỏng lại chương trình huấn luyện bay, đem lại trải nghiệm thực tế với rủi ro thấp trong quá trình huấn luyện. Rất nhiều những ý tưởng về ứng dụng AR-VR cực kỳ hay ho cũng xuất phát từ đó. Thực hiện hội chẩn, phẫu thuật thử nghiệm nhờ công nghệ AR-VR; kỹ sư lắp ráp mẫu máy bay mới mà không cần đến phụ tùng thật; không còn “nỗi đau mua hàng online” bởi không cần đến tận nơi vẫn có thể thử được đồ, … Tất cả những ứng dụng đó đã được kỳ vọng sẽ trở thành một cuộc cách mạng giúp không chỉ tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà còn là những rủi ro liên quan đến tính mạng.

… đến câu chuyện ứng dụng thực tế

Trên thực tế, AR-VR chưa làm được nhiều như vậy. Kể từ sau Pokemon Go, AR – VR mới trở thành cơn sốt toàn cầu. Những ứng dụng của AR-VR khi đó mới bắt đầu được đầu tư nghiên cứu khai thác. Google Translate đã ứng dụng AR cho việc dịch text định dạng ảnh hay những cuốn sách 3D cho thiếu nhi được ra đời. Mặc dù theo số liệu thống kê của App Annie, chỉ tính riêng thiết bị iPhone tại Mỹ, số lượt tải App liên quan tới AR đã tăng gấp 3 lần trong 3 tháng 8,9,10 của năm 2017, nhưng những ứng dụng ấy mới dừng lại ở một vài địa hạt nhỏ.


ADT Creative tại Đại hội TƯ Đoàn lần thứ 11 với sản phẩm AR-VR giúp trải nghiệm Triển lãm “Đi qua cuộc chiến” của Bảo tàng Hồ Chí Minh ngay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia


CO-WELL Asia mang cả một Safari với đa dạng loài thú hoang dã đến AEON MALL Bình tân & Long Biên, thu hút hàng nghìn lượt khách tham gia tương tác và trải nghiệm.

Tương tự tại Việt Nam, những ứng dụng AR – VR cũng đang dừng lại ở một số lĩnh vực như giáo dục, giải trí và Marketing. Broadcast AR của CO-WELL Asia được sử dụng trong Chiến dịch Promotion hè 2018 của Hệ thống AEON MALL hay AR Mobile Triển lãm “Đi qua cuộc chiến” của ADT Creative được sử dụng trong Đại hội Trung Ương Đoàn Toàn quốc lần thứ XI là một vài dự án AR-VR nổi bật thời gian qua. Ứng dụng AR-VR vào dự án Bất động sản của Holomia, khi cho phép dựng và bán căn hộ 3D mẫu, cũng là ứng dụng mang lại giá trị thực tế lớn. 


Holomia ứng dụng AR-VR trong các dự án Bất động sản

Tuy nhiên, để đánh giá sức ảnh hưởng của AR-VR trong cộng đồng thì rõ ràng dấu ấn để lại không quá lớn. Trong VSMCamp (Đại hội Sales & Marketing) và CSMOSummit (Hội nghị Cao cấp các Giám đốc Sales & Marketing) năm 2018, các diễn giả trong lĩnh vực AR-VR đều cho rằng, trước mắt sẽ là thời gian chững lại và khó khăn cho ứng dụng AR-VR tại Việt Nam.

Chững lại hay tiến về phía trước

Không ai có thể phủ nhận lợi ích AR-VR có thể đem lại, nhưng vì sao vẫn là một bài toán khó để AR-VR thực sự được ứng dụng trong đời sống. Rất nhiều các chuyên gia đã đưa ra ý kiến, rào cản khiến AR-VR chưa thực sự bùng nổ chính là ở công nghệ. Công nghệ quá hiện đại dẫn tới khó khăn trong phổ cập ứng dụng. Không chỉ cần những thiết bị hỗ trợ đắt đỏ hiện đại, để có thể sử dụng được chúng còn cần bỏ thời gian để “khám phá” cách sử dụng. Đôi khi, nếu thiếu người hướng dẫn, người dùng gần như không thể tự tìm được các để sử dụng các thiết bị này chứ chưa nói đến việc trải nghiệm công nghệ.

Thế nhưng trên thế giới, các hãng lớn như IKEA, Houzz hay trang bán lẻ đồ gia dụng của Mỹ Wayfair vẫn đang thu lợi từ ứng dụng AR-VR trong bán hàng. Ông lớn thương mại điện tử Amazon cũng đã công bố tính năng AR bổ sung cho ứng dụng mua sắm phiên bản iOS. Thậm chí còn cho ra mắt Amazon Sumerian, một công cụ để bất kỳ ai cũng có thể tạo ra trải nghiệm 3D, AR-VR trên trình duyệt Web.


IKEA Ứng dụng AR-VR trong shopping online

Đơn giản phương thức sử dụng và gắn liền với những nhu cầu thường nhật của người dùng, có lẽ đó sẽ là con đường tương lai cho AR-VR. Người dùng hiện nay rất thực dụng. Họ không cần quá cầu kỳ về đồ họa, phức tạp về nội dung trải nghiệm. Cái họ cần là hữu dụng và dường như bộ đôi “Thương mại điện tử & AR-VR” đang trở thành một combo hiệu quả. Với AR-VR, không cần demo trực tiếp hay sản phẩm mẫu, người mua vẫn có thể thử sử dụng, thử bố trí nơi mình muốn và kiểm định sự phù hợp của sản phẩm trước khi ra quyết định. Hạn chế lựa chọn sai lầm, giảm thiểu chi phí đổi trả hàng, tăng cao cơ hội mua/bán hàng … là những lợi ích mà AR-VR đem lại cho cả người mua và người bán thông qua thương mại điện tử.

Đối với thị trường AR-VR Việt Nam, chúng ta trông chờ sự đột phá khi các doanh nghiệp AR-VR như ADT Creative, Holomia, CO-WELL Asia với bắt tay các đại gia thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, … Trong đó, CO-WELL Asia đang là đơn vị được kỳ vọng cao hơn cả bởi những kinh nghiệm sẵn có trong việc xây dựng website thương mại, dịch vụ lớn tại thị trường Nhật. Đồng thời, CO-WELL Asia cũng đang triển khai dự án Thương mại điện tử cho doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Nhật Bản trên nền tàng Magento. Điều này chắc chắn sẽ đem lại lợi thế để triển khai combo “’Thương mại điện tử & AR-VR” cho bất kỳ trang thương mại điện tử nào.

Chững lại hay đột phá, câu trả lời còn chưa rõ ràng cho thị trường AR-VR Việt. Thế nhưng những cơ hội vẫn đang trải ra và hi vọng các doanh nghiệp có thể nhanh chóng nắm bắt xu hướng để đem đến những bước tiến dài cho thị trường này.

THEO CO-WELL
Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT