Báo cáo tác động của bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 đối với Doanh nghiệp
Ngày 4/9 vừa qua, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đã công bố Báo cáo Tác động của Bùng phát dịch Covid-19 lần 2 đối với doanh nghiệp và Tổng hợp các kiến nghị chính sách doanh nghiệp, hiệp hội gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ trên kết quả cuộc khảo sát lần 3 về tình hình doanh nghiệp trong bối cảnh covid-19 bùng phát lần 2 tại Việt Nam với đối tượng là 15 hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam (đại diện cho gần 15.000 doanh nghiệp thành viên và hơn 5000 cá nhân thành viên) và 349 doanh nghiệp trả lời khảo sát online bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp Du lịch chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát, tới 28%, đây cũng đồng thời là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Kết quả khảo sát cho thấy, tác động của sự bùng phát dịch bệnh lần 2 đối với doanh nghiệp đặc biệt lớn: 20% doanh nghiệp trả lời là đã phải dừng hoạt động, 76% cho biết hiện tại không thể cân đối được thu chi, 2% doanh nghiệp đã bị giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời không bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt, chiếm tới 81% câu trả lời. Tiền lương cho nhân viên, các loại bảo hiểm và kinh phí công đoàn cũng là thách thức cho rất nhiều doanh nghiệp  chiếm 72% câu trả lời. Tiếp theo là các khoản trả tiền vay ngân hàng và các khoản duy trì hoạt động công ty.

Để các doanh nghiệp tồn tại được trong bối cảnh đại dịch là một nỗ lực rất lớn tính tới thời điểm này, nhưng nỗ lực để giữ chân người lao động còn lớn hơn nữa. Hơn 47% doanh nghiệp đã phải cắt giảm số lượng lao động, 27% doanh nghiệp duy trì lao động nhưng giảm lương và giảm giờ làm.

Dựa trên tình hình thực tế trên, Ban IV cũng đã đề xuất một số khuyến nghị, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, thông tin chi tiết vui lòng xem TẠI ĐÂY

HIỆP HỘI PHẦN MỀM VÀ DỊCH VỤ CNTT VIỆT NAM

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT