Góc nhìn từ Startup Fintech về gọi vốn đầu tư
Tại Hội nghị kết nối nhà đầu tư và startup trong lĩnh vực ICT với chủ đề Thúc đẩy đầu tư và phát triển hệ sinh thái tài chính số diễn ra ngày 28/06/2022 vừa qua, Ông Nguyễn Văn Du - Founder & CEO, BIZ4 đồng thời từng khởi nghiệp và gọi vốn thành công trong lĩnh vực Fintech đã có những chia sẻ về chìa khoá gọi vốn thành công, đem đến những thông điệp thú vị và tích cực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cho các startups trẻ.

“Khởi nghiệp không phân biệt đối thủ, nhất là khi chúng ta khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ” – Đây là một thông điệp mà Ông Nguyễn Văn Du, Founder & CEO, BIZ4 muốn nhắn nhủ đến các Startup công nghệ trước khi phát biểu phần trình bày của Hội nghị. Ông tự nhận mình là một “dân công nghệ” với 10 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tập trung vào phát triển công nghệ và sau đó khởi nghiệp. Trước sự hiểu biết sâu sắc về công nghệ và kinh nghiệm dày dặn như thế ông tự tin rằng mình có thể áp dụng được công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và quản lý doanh nghiệp mình. Nhưng chỉ sau một năm khởi nghiệp, thậm chí là sau 6 năm thành lập công ty, Ông Du chợt nhận ra một điều thực tế, ông vẫn còn rất non trẻ trên hành trình khởi nghiệp, dù đã ngoài tuổi 30. Chính vì vậy, Việt Nam mặc dù là một quốc gia có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, nhưng tỉ lệ thành công không cao.

Là một “dân công nghệ”, ông hiểu rõ ngành tài chính ngân hàng cần áp dụng công nghệ như thế nào. Vì thế, ông khởi nghiệp với mong muốn người dân Việt Nam có một không gian mới trong việc sử dụng các giải pháp về tài chính. “Trong suốt 10 năm làm về lĩnh vực này, tôi hiểu người dân Việt Nam rất cần tài chính. Tất cả các giải pháp tài chính hiện nay vẫn chưa chạm đến 30% nhu cầu của thị trường, đặc biệt là ở các vùng nông thôn vùng sâu vùng xa. Tôi cảm thấy người dân Việt Nam đang rất khó khăn để lựa chọn được một giải pháp tài chính phù hợp, đó là mục tiêu mà tôi khởi nghiệp”, ông Du chia sẻ.

Hiện tại, BIZ4 – công ty khởi nghiệp của ông Du không những áp dụng các giải pháp của mình cho các công ty tài chính ngân hàng để họ có một giải pháp tốt hơn để cung cấp một cách khách quan hơn giải pháp tài chính của họ cho người dân Việt Nam. Và BIZ4 cũng đang trên con đường cung cấp giải pháp của mình cho doanh nghiệp SME, đặc biệt trong thời buổi khó khăn này. Đối với các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là các công ty vừa, nhỏ và siêu nhỏ, việc đóng cửa và mở cửa trở lại ở một tần suất rất cao. Không chỉ riêng công ty khởi nghiệp, nhân viên công ty khởi nghiệp cũng cần một giải pháp tài chính minh bạch, phù hợp cho nhu cầu của chính họ. Đó là lí do, BIZ4 phát triển và mở rộng mô hình SME Digibank - Mô hình chuyển đổi số trong ngân hàng vào doanh nghiệp SME. 

Một startup hay một founder trong lĩnh vực Fintech thường sẽ phải gặp 04 khó khăn chính sau đây: (1) Thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về công nghệ và tài chính, (2) Yếu trong vấn đề vận hành và quản lý dòng tiền, (3) Khó giải quyết được bài toán bán hàng và mở rộng thị trường, (4) Chậm áp dụng công nghệ. Bằng những kinh nghiệm xây dựng công ty khởi nghiệp, ông Nguyễn Văn Du cũng chia sẻ thẳng thắn các giải pháp để giải quyết các vấn đề trên. Nếu thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về công nghệ tài chính, nên tìm một đồng đội phù hợp. Phù hợp ở đây là một người quản trị giỏi, giỏi về quản trị tài chính, quản trị công tác vận hành. Nếu đã giỏi công nghệ rồi, thì cần một đồng đội giỏi ở mảng khác để giúp đỡ công ty, đó là phù hợp. Nếu yếu trong công tác vận hành và quản lý dòng tiền, đừng vội đặt ra những mục tiêu quá lớn, hãy bắt đầu với những hành động nhỏ nhất mà chúng ta tin tưởng có thể làm tốt. Sau khi quản trị được dòng tiền, chúng ta sẽ quản trị được mục tiêu và đạt được nó, tạo doanh thu từ sớm, quản lý được vấn đề tài chính, hạn chế tối đa rủi ro trong giai đoạn đầu. Nếu gặp khó khăn trong việc bán hàng và mở rộng thị trường thì những công ty khởi nghiệp đừng cố gắng sử dụng sức lực của chính mình để bán hàng. Hãy tận dụng tối đa các hệ thống kênh bán hàng trực tuyến sẵn có, nhất là trong giai đoạn đầu. Và nếu cảm thấy doanh nghiệp mình đang chậm áp dụng công nghệ, AI hay Blockchain còn quá xa lạ, đừng vội áp dụng ngay nhưng hãy nghiên cứu nó đúng mực. Khi áp dụng công nghệ đúng, giá trị sản phẩm sẽ tăng theo cấp số nhân. Và khi có cơ hội, chúng ta nên áp dụng các công nghệ mới như AI, Blockchain ngay từ đầu để có thể trở nên thu hút các nhà đầu tư.

Làm sao để một công ty khởi nghiệp Fintech gọi vốn thành công? Ông Du thẳng thắn chia sẻ: “Nếu khởi nghiệp, các startups đừng quá lo lắng câu chuyện tìm nhà đầu tư, mà chỉ cần tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ tốt, nhà đầu tư sẽ tự tìm đến. Bởi vì chúng ta có cơ hội được lắng nghe kinh nghiệm từ các nhà quản lý, được tạo điều kiện bởi các quỹ đầu tư và được truyền cảm hứng từ những mô hình công ty Fintech đang vận hành rất thành công. Tôi chắc chắn rằng cánh cửa thành công sẽ mở cửa chờ chúng ta, nhưng điều quan trọng là chúng ta có đủ thu hút nhà đầu tư hay không? Không nên mải tìm kiếm mà quên mất chúng ta là ai. Nhà đầu tư sẽ chỉ giúp chúng ta đi nhanh hiệu quả hơn mà thôi.” Cuối cùng, với kinh nghiệm đã từng gọi vốn thành công, Ông Du gửi đến các startup công nghệ chìa khoá để gọi vốn thành công, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp trong vòng 3 năm đầu, đó phải là bài toán được giải quyết một cách đơn giản hơn, mang lại một kết quả hiệu quả hơn. Nếu chúng ta nghiên cứu về giải pháp giúp cho mọi người mua hàng, thì làm sao để họ mua hàng một cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất, đó là sự thành công.

 

Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT