Cần thúc đẩy đầu tư công nghệ để phát triển hệ sinh thái cho các nhà lập trình
Để xây dựng một hệ sinh thái vững mạnh cho các nhà lập trình, Việt Nam cần tập trung vào việc nuôi dưỡng “tài năng số”, đồng thời kiến tạo một môi trường thúc đẩy đầu tư công nghệ.

Đây là khuyến cáo được các chuyên gia quốc tế đưa ra hội thảo “Xây dựng hệ sinh thái vững mạnh cho các nhà lập trình trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra ngày 23/5 vừa qua tại Hà Nội. Hội thảo là sáng kiến của Google, phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, nhằm chia sẻ thảo luận về các giải pháp hỗ trợ Việt Nam trong việc tạo dựng một hệ sinh thái vững mạnh, góp phần thúc đẩy ngành phát triển phần mềm và ứng dụng của Việt Nam phát triển.

Hệ sinh thái khởi nghiệp còn nhiều vấn đề cần cải thiện 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Nhật Quang - Phó Chủ tịch VINASA - đã chia sẻ một số thông tin cho thây tốc độ phát triển nhanh của ngành CNTT Việt Nam, với doanh thu năm 2017 vừa qua đạt trên 8,8 tỷ USD. Cùng đó, CNTT đóng vai trò ngày càng quan trọng, không còn là một ngành riêng biệt mà được coi là "hạ tầng của hạ tầng", là công cụ tạo lập phương thức phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo động lực cho sự phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Theo đánh giá chung của giới công nghệ, Việt Nam có nhiều nhà phát triển phần mềm và ứng dụng giỏi, nhiều người trong số đó đã đạt được những thành công vượt xa khỏi biên giới Việt Nam như Nguyễn Hà Đông với ứng dụng Flappy Bird đạt hàng tỷ lượt tải về từ App Store và Google Play…

Bên cạnh đó, nghiên cứu mới nhất của HackerRank cho thấy: Việt Nam xếp thứ 23 thế giới về năng lực lập trình viên trong tổng số 50 quốc gia thử thách trên HackerRank với điểm số trung bình là 81,1. Dù Ấn Độ và Mỹ có số lượng lập trình viên tham gia đông nhất, cả hai lại có thành tích khiêm tốn: Mỹ đứng thứ 28 còn Ấn Độ đứng thứ 31.  Nếu xét theo từng lĩnh vực, Việt Nam duy nhất lọt top trong bảng xếp hạng về trí tuệ nhân tạo, xếp thứ 3 sau Nhật và Bỉ.

Bổ sung nhận định về ngành hội tụ nhiều chất xám này, ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng, trong ngành CNTT Việt Nam thì lĩnh vực phần mềm là "xương sống". Bởi doanh thu từ lĩnh vực phần cứng chủ yếu đến từ sự đóng góp của các nhà sản xuất nước ngoài. Trong khi đó, nỗ lực của các doanh nghiệp phần mềm trong nước đã được ghi nhận qua việc phần mềm Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới.

Đáng nói là, một hiện tượng thực tế đang diễn ra là nhiều doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã chọn khởi nghiệp bên ngoài biên giới Việt Nam như Mỹ, Singapore, Nhật Bản… Điều này cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam cho các nhà lập trình còn nhiều vấn đề cần được cải thiện, đặc biệt là các vấn đề về pháp lý.

Theo ông Quang, chúng ta đang đứng trước những cơ hội rất lớn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng đang làm thay đổi mạnh mẽ toàn bộ mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Vấn đề là hiện thực hóa những hành động, sách lược đề ra từ những diễn đàn, chương trình nghị sự gần đây để nắm chắc và phát huy các cơ hội đó.

Google, VINASA, phát triển ứng dụng, hệ sinh thái khởi nghiệp, AlphaBeta
Một số điểm đặc biệt thúc đẩy đột phá công nghệ tại Đông Nam Á [do αlphaβeta tổng hợp từ nhiều nguồn]

Tháo gỡ những điểm "gút mắc" để khuyến khích khởi nghiệp

Theo ông George Nguyễn - người hiện đang điều hành công ty luật để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về thủ tục chính sách, trong quá trình tư vấn cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì khó khăn họ gặp phải là Việt Nam chưa có khuôn khổ cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà coi như những doanh nghiệp vừa và nhỏ bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng khi nhà đầu tư rót vốn vào và sau đó thoái vốn khỏi các công ty khởi nghiệp thì Việt Nam thu của họ 20% (thuế), trong khi các nước khác lại hỗ trợ mạnh cho mảng này. Việc thoái vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam thường mất tới một năm do quá nhiều khâu cần hoàn thiện thủ tục ở các cấp khác nhau, trong khi đó tại Singapore chỉ cần khoảng một tuần.

Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, cần có những chính sách cởi mở hơn, mang tính khuyến khích và độ bảo đảm cho nhà đầu tư thì họ mới dám mạnh dạn đưa vốn vào lĩnh vực này. “Nghị định 38 vừa được ban hành gần đây bước đầu đã có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng còn chưa cụ thể”, ông George Nguyễn cho biết thêm.

Tham gia thảo luận về vấn đề này, ông Konstantin Matthies - chuyên viên tư vấn của công ty tư vấn và nghiên cứu AlphaBeta (một tổ chức có quy mô toàn cầu chuyên nghiên cứu và tư vấn về chính sách) - cho rằng, đối với ngành công nghiệp phần mềm, Việt Nam cần cải thiện khuôn khổ pháp lý hỗ trợ các nhà phát triển cũng nhưng các nhà đầu tư. Cụ thể, Việt Nam phải cải thiện rất nhiều về chính sách để xây dựng một hệ sinh thái vững mạnh cho các nhà lập trình, cần tập trung nuôi dưỡng tài năng số và xây dựng môi trường thúc đẩy đầu tư công nghệ. Sau lĩnh vực nhân lực là môi trường đầu tư công nghệ, phương pháp tính thuế, hệ thống pháp lý…

Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch VINASA Nguyễn Nhật Quang cũng cho rằng: "Để ngành công nghiệp phần mềm, CNTT Việt Nam thực hiện thành công sứ mệnh tiên phong của mình, chúng tôi mong muốn và hi vọng rằng các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục nỗ lực sáng tạo, tập trung xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao theo những xu hướng công nghệ mới như: AI, Robotics, tự động hóa, in 3D, VR, AR… không chỉ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu thị trường Việt Nam, mà còn đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế. Chúng tôi cũng đề nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, để Việt Nam tiếp tục đạt được những vị thế cao trong bản đồ công nghệ thế giới".

Theo NSS
Tin mới
Thiết kế & tài trợ bởi VNPT